TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ NHO QUAN
Địa chỉ: Phố Tân Nhất, Thị trấn Nho Quan, Huyện Nho Quan, Ninh Bình
Điện thoại: 02293.662.949 – 02293.663.668
Website: tcktktdl.edu.vn
Email: tcktktdl@gmail.com
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Trường Trung cấp nghề Nho Quan được thành lập từ năm 2008 theo quyết định số 1315 ngày 07/7/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm dạy nghề huyện Nho Quan. Trường có trụ sở ở Thôn Tân Nhất, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan (Nay là Phố Tân Nhất – Thị trấn Nho Quan – Huyện Nho Quan). Trường hoạt động theo Điều lệ được phê duyệt tại Quyết định số 475/QĐ-UBND ngày 01 tháng 07 năm 2013 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Điều lệ Trường Trung cấp nghề Nho Quan. Trường có nhiệm vụ: chuẩn bị đủ điều kiện để mở ngành đào tạo nguồn nhân lực có trình độ Trung cấp nghề: Sửa chữa điện thoại, điện tử, điện lạnh, xe cơ giới; chế biến lâm sản, trồng trọt chăn nuôi, may công nghiệp, tin học, hàn; Lái xe ô tô, máy xúc, máy ủi và các trình độ thấp hơn. Trường thuộc bậc Trung cấp, nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, giáo dục học sinh bậc Trung cấp nghề theo nội dung, chương trình của Nhà nước. Trường Trung cấp nghề Nho Quan chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình và quản lý dạy nghề của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và quản lý về hành chính của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Trường Trung cấp nghề Nho Quan trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình, thực hiện chức năng đào tạo trình độ Trung cấp nghề, Sơ cấp nghề, Đào tạo lại, Tập huấn bồi dưỡng nghề cho các đối tượng lao động, đảm bảo chức năng giáo dục định hướng cung cấp lao động cho các doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động và liên kết đào tạo Đại học, Cao đẳng hệ vừa làm vừa học. Những năm qua, Nhà trường luôn quan tâm làm tốt việc gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm thông qua việc đẩy mạnh liên kết với các Doanh nghiệp, nhất là các Doanh nghiệp trên địa bàn huyện để tìm đầu ra cho các khóa đào tạo. Chính vì vậy mà nhiều năm nay Trường Trung cấp nghề Nho Quan luôn là địa chỉ đào tạo nghề tin cậy được các bậc phụ huynh, học sinh tin tưởng lựa chọn.
II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
1. Nhiệm vụ
– Tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở trình độ trung cấp nghề, sơ cấp nghề nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tạo điều kiện cho họ có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
– Tổ chức xây dựng, duyệt và thực hiện các chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề đối với ngành nghề được phép đào tạo.
– Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh học nghề.
– Tổ chức các hoạt động dạy và học; thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng, chứng chỉ nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường đủ về số lượng; phù hợp với ngành nghề, quy mô, trình độ đào tạo theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức nghiên cứu khoa học; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; thực hiện sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khoa học, kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
– Tư vấn học nghề, tư vấn việc làm miễn phí cho người học nghề.
– Tổ chức cho người học nghề tham quan, thực tập tại doanh nghiệp.
– Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình người học nghề trong hoạt động dạy nghề.
– Tổ chức cho giáo viên, cán bộ, nhân viên và người học nghề tham gia các hoạt động xã hội.
– Thực hiện dân chủ, công khai trong việc thực hiện các nhiệm vụ dạy nghề, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào dạy nghề và hoạt động tài chính.
– Đưa nội dung giảng dạy về ngôn ngữ, phong tục tập quán, pháp luật có liên quan của nước người lao động đến làm việc và pháp luật có liên quan của Việt Nam vào chương trình dạy nghề khi tổ chức dạy nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị và tài chính theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Quyền hạn
– Được chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nhà trường phù hợp với chiến lược phát triển dạy nghề và quy hoạch phát triển mạng lưới các Trường Trung cấp nghề.
– Được huy động, nhận tài trợ, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các hoạt động dạy nghề.
– Quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc trường theo cơ cấu tổ chức đã được phê duyệt trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường; quyết định bổ nhiệm các chức vụ từ cấp trưởng phòng, khoa và tương đương trở xuống.
– Phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong hoạt động dạy nghề về lập kế hoạch, xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề, tổ chức thực tập nghề. Hợp tác, liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, gắn dạy nghề với việc làm và thị trường lao động.
– Sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh tế để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của trường, chi cho các hoạt động dạy nghề và bổ sung nguồn tài chính của trường.
– Được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất; được hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao theo đơn đặt hàng; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các quyền tự chủ khác theo quy định của pháp luật.