Trong khuôn khổ hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Tổng cục Dạy nghề và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và nhằm phát huy các thành quả đạt được sau dự án REG100, từ ngày 24-28/4/2017 tại Hà Nội, Tổng cục Dạy nghề phối hợp với OIF tổ chức Hội thảo Kiểm duyệt Bộ công cụ hỗ trợ cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo phương pháp đào tạo tiếp cận năng lực (APC); Thiết lập các phương thức đào tạo từ xa hoặc tại chỗ dành cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Tham dự hội thảo có PGS.TS Cao Văn Sâm – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Ông Eric Normand Thibeault – Giám đốc văn phòng BRAP/OIF, Bà Anne Lange – Trưởng đại diện phái đoàn WBI tại Việt Nam, các chuyên gia của OIF cùng đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.
PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Cao Văn Sâm khẳng định phương pháp đào tạo tiếp cận năng lực APC là phương pháp tiên tiến được ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới, cho phép các giáo viên tự hoàn thiện năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm thông qua việc tiếp thu các công cụ và phương pháp mới để cải thiện chất lượng đào tạo; trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp với thực tiễn nghề nghiệp. Như vậy, việc đào tạo nghề sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp. Để góp phần giúp giáo viên tự củng cố phương pháp APC, làm tài liệu tập huấn, nhân rộng cho các giáo viên khác, bộ công cụ dành cho giáo viên dạy theo phương pháp APC đã được biên soạn nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, OIF và Tổ chức quảng bá Giáo dục và Đào tạo ở nước ngoài của Bỉ (APEFE). Phương pháp đào tạo từ xa là phương thức tương đối phổ biến đối với các bậc học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, với đặc thù của giáo dục nghề nghiệp, việc triển khai áp dụng phương pháp đào tạo từ xa vẫn còn là vấn đề mới, cần được quan tâm, chú trọng để mang lại hiệu quả, PGS.TS Cao Văn Sâm mong muốn các chuyên gia OIF cùng với đại diện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ thiết lập được các mô hình đào tạo từ xa trên cơ sở khai thác các bộ chuẩn năng lực đã được biên soạn, chú trọng đến phương thức kiểm tra, đánh giá trong đào tạo từ xa. Trên cơ sở đó, Tổng cục Dạy nghề sẽ tiến tới hình thành khung pháp lý cho đào tạo từ xa trong giáo dục nghề nghiệp.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Theo kế hoạch, từ ngày 24/4-26/4, thông qua Hội thảo bộ công cụ sẽ được kiểm duyệt, hoàn thiện nhằm phù hợp với thực tế riêng và đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn mới. Tiếp theo, từ ngày 27/4-28/4, hội thảo sẽ thảo luận về Thiết lập phương thức đào tạo từ xa hoặc tại chỗ dành cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Nguồn: http://tcdn.gov.vn
Cập nhật ngày: 25/04/2017